Close
Free HTML5 Bootstrap Template

About Me

Francisco Assisi. Maria
Nguyễn Yên CRM

Trở Lại Trang Chủ

TÌM HIỂU VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG ĐỨC BÀ

Cung hiến Vương cung Thánh đường Đức Maria

Tại Tây phương, Đền thờ Đức Bà cả là Thánh đường đầu tiên dâng kính Đức Maria, sau ngày bế mạc công đồng

Ephêsó (431).

Đền thờ tọa lạc trên đỉnh đồi Esquilinô. được khởi công xây cất dưới thời Đức Giáo hoàng Libêriô (352) và được cung hiên dưới thời Đức Giáo hoàng Xistô III (432). Đền thờ đã được nới rộng và trùng tu nhiều lần, đặc biệt ngọn tháp chuông cao vút đã được xây thêm vào thế kỷ XIV.

Việc Đức Giáo hoàng Xistô III dâng hiến một Đền thờ tại Rôma cho Đức Maria đã khuyến khích các giáo đoàn khác bắt chước làm theo và dân dần các thành phố lớn - từ Paris tới Sài Gòn - đêu có một Nhà thờ Đức Bà.

Lm Tiến Lãng, DCCT

 

Cung hiến Vương cung Thánh đường Đức Maria

Vương cung Thánh đường này được xây dựng để dâng kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Đây là Đền thờ kính Đức Mẹ đầu tiên và lớn nhất được xây cất ở Tây Phương. Đền thờ này cũng được coi là tột đỉnh lòng sùng kính của Dân Chúa, đặc biệt là dân chúng thành Roma đối với Đức Maria. Lòng sùng kính Đức Maria là một trong những đặc điểm lòng đạo đức của dân chúng Roma ngay từ lúc khởi đầu Kitô giáo. Người ta vẫn thường gọi đây là “Hang đá Belem ở Roma”. Năm 1853, tại Roma người ta đếm được có 1.421 những khánh nhỏ có để hình Đức Mẹ. Đến năm 1939 thì chỉ còn lại 530 khánh nhỏ ở rải rác khắp nơi trong thành phố Roma.

Lịch sử Đền thờ

Đền thờ này được xây trên đồi Esquilino để thay thế việc thờ nữ thần Cibele, là mẹ các thần minh của dân ngoại, bằng việc tôn kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa.

Đầu tiên, Đền thờ này được gọi là Đền thờ Liberiana, lấy theo tên của Đức Giáo Hoàng Liberio (352- 366), là người đã cho xây Đền thờ này. Theo tương truyền một nhà quý tộc ở Roma tên là Giovanni và vợ, đã cao niên mà không có con cái. Họ quyết định dâng toàn bộ tài sản để xây một Đền thờ kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa. Trong đêm mùng 4 rạng ngày 5 tháng 8 năm 356, Đức Mẹ hiện ra trong giấc mơ với ông Giovanni và dạy ông lo xây cất Đền thờ tại nơi xảy ra biến cố lạ thường và Đức Giáo Hoàng Liberio có cùng một thị kiến như vậy. Biến cố đặc biệt đó là vào ngay giữa hè trời thật nóng bức như thế mà trên đỉnh đồi Esquilino dân chúng lại thấy có một lớp tuyết phủ.

Sau đó ngôi Đền thờ này được Đức Giáo Hoàng Sixto III (432-440) tái thánh hiến dâng kính Đức Mẹ vào ngày 5 tháng 8 năm 432, tức là một năm sau khi Công Đồng Chung Êphêsô tuyên bố tín điều Đức Maria là “Theotókos”, Mẹ Thiên Chúa, chứ không phải chỉ là “Christotókos”, Mẹ Đức Kitô mà thôi.

Ngày nay, để ghi nhớ sự tích Đức Mẹ xuống tuyết ở đỉnh đồi Esquilino, vào ngày 5.8, Giáo hội cử hành lễ cung hiến Đền thờ Đức Bà Cả. Trong thánh lễ trọng thể này, người ta vẫn thả từ trần Nhà thờ những hoa hồng màu trắng xuống trên các tín hữu.

Đến thế kỷ thứ VII, Đền thờ này được gọi là Đền thờ “Đức Mẹ Hang Đá”, vì có hang đá Belem được dựng trong nhà nguyện dưới tầng hầm, với 5 mảnh gỗ của Máng cỏ ngày xưa và vài viên đá trong Hang đá được đưa từ Thánh Địa về đây vào năm 642 dưới thời Đức Giáo Hoàng Theodoro I (642- 649). Ngài là người sinh trưởng tại Giêrusalem. Thánh tích quí giá này được lưu trữ trong một hòm bằng bạc do vua Filipphê II của Tây Ban Nha tặng và nay được đặt dưới bàn thờ chính của Đền thờ.

Qua dòng thời gian, Đền thờ này được gọi là Đền thờ Đức Bà Cả, vì đây là ngôi Đền thờ lớn nhất trong số 26 nhà thờ dâng kính Đức Mẹ ở Roma.

Kiến trúc

Tại quảng trường Đền thờ, có cột cao 14 mét bằng đá cẩm thạch trắng, được Đức Giáo Hoàng Phaolô V (1605- 1621) cho đưa về đây. Đây là cột duy nhất còn sót lại của 8 cột của Đền thờ Massenzio (cũng gọi là Đền thờ Hòa Bình) thời Trung Cổ. Tượng Đức Mẹ ẵm bế Chúa Giêsu Hài Nhi bằng đồng ở trên cột là tác phẩm của Điều khắc gia người Pháp Guillaume Berthelot.

Tháp chuông Đền thờ cao 75m là tháp chuông cao nhất ở Roma do Đức Gregorio XI cho xây dựng năm 1377. Tháp chuông theo phong cách Roma.Trên tháp có treo 4 quả chuông được coi là hài hòa nhất tại Roma. Năm 1983 tháp này được tu bổ thêm lần nữa.

Mặt tiền Đền thờ bằng đá cẩm thạch do kiến trúc sư Femando Fuga (1743) kiến thiết gồm cổng chính với 5 cửa. Ban công chính bên trên của mặt tiền Đền thờ là phần duy nhất còn lại của Đền thờ Đức Giáo Hoàng Sisto III. Ngày xưa từ ban công này, Đức Giáo Hoàng thường ban phép lành cho các tín hữu.

Ở tiền đường bên trái có Cửa Thánh, bên phải có tượng của vua Philipo IV Tây Ban Nha bằng đồng do Điêu khắc gia Bernini thiết kế.

Đền thờ dài 86,5 mét, rộng 29,13 mét, và cao 18,43 mét. Có 36 cột bằng đá, theo thứ tự mà người Hy Lạp vẫn dành cho các vị thần của họ, phân chia 3 gian của Đền thờ. Ngày nay, có 40 cột, vì vào thế kỷ 18, khi tu bổ Đền thờ, kiến trúc sư Fuga cho dựng thêm 4 cột bằng cẩm thạch xám, để chống đỡ các vòng cung. Nền đền thờ gồm nhiều tấm đá ghép lại như bức tranh khảm đá, do hai nhà quí tộc Roma tặng cho Đức Giáo Hoàng Eugenio III (1145- 1153).

Trần Đền thờ mạ vàng, số vàng đầu tiên đưa từ Mỹ châu về cụ thể là từ Peru, do Hoàng đế Femando và hoàng hậu Tây Ban Nha tặng cho Đức Giáo Hoàng Alexandro VI (1492- 1503). Kiến trúc sư Giuliano da Sangallo đã dùng vàng đó tán thành những lá mỏng để trang trí trần Đền thờ, và mang huy hiệu của gia tộc Borgia của Đức Giáo Hoàng Alexandro VI (ngài là người Tây Ban Nha). Hai mươi bảy tranh khảm đá ở hai bên tường lòng giữa đền thờ mô tả những cảnh tượng trong Kinh Thánh Cựu Ước và về cuộc đời Chúa Giêsu. Ở giữa vòng cung, có cảnh tả ngai Chúa Giêsu, mặc hoàng bào được trang điểm bằng ngọc quí, tay cầm Thánh giá và sách Khải Huyền. Chung quanh là hình thánh Phêrô và Phaolô, cùng với biểu hiệu của 4 thánh sử Phúc Âm. Cạnh đó là cảnh Chúa Giáng sinh. Bên trái là cảnh truyền tin cho Đức Mẹ.

Bàn thờ chính trong Đền thờ, còn gọi là bàn thờ tuyên xưng đức tin (confession) do Kiến trúc sư Vespignani trang trí vào năm 1874, bằng đá cẩm thạch quí hiếm. Trên bàn thờ có tán cao, được 4 cột vòng bằng đồng chống đỡ, do Fuga thực hiện. Tại khu bàn thờ chính này có hòm giữ thánh tích của Thánh Mathêu Tông đồ và các vị tử đạo khác.

Ở khu hậu cung Đền thờ, có bức tranh diễn tả cảnh Chúa Giêsu đội triều thiên cho Đức Mẹ, có ca đoàn 18 Thiên thần và các Thánh bao quanh, đây là kiệt tác của Tu sĩ Jacopo Torriti Dòng Phanxicô năm 1295 thực hiện.

Bên phải Đền thờ có Nhà nguyện Sixtina, tại đây có đặt Mình Thánh Chúa, và có tượng của Đức Giáo hoàng Sixtô V thuộc Dòng Phanxicô và Đức Giáo Hoàng Piô V thuộc Dòng Đaminh, là người đã thiết lập lễ Đức Mẹ Mân Côi.

Ở bên trái Đền thờ có Nhà nguyện Paolina. Trong Nhà nguyện này có ảnh Đức Mẹ “Salus Populi Romani” (Phần Rỗi của dân Roma). Theo tương truyền, bức ảnh này do Thánh sử Luca vẽ dang dở sau đó được một Thiên thần hoàn tất, vì thế đây không phải là bức tranh do tay người phàm vẽ ra. Lưu truyền nói rằng ảnh tự động đến Roma từ Costantinople, tránh nạn phá ảnh tượng 3 thế kỷ trước đó và được đặt tại đây từ năm 1613. Ngôi Nhà nguyện này được coi như là ngôi Nhà nguyện phong phú và đẹp nhất Roma với những bức họa tuyệt đẹp để tôn vinh Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa.

Mặt sau của Đền thờ, hướng về quảng trường Esquilino, nổi bật trên nhiều bậc thang, do kiến trúc sư Rainaldi thực hiện vào năm 1673.

Một số sự tích của Đền thờ

Cũng như nhiều Đền thờ lớn khác ở Roma, Đền thờ này cũng có nhiều sự tích lưu truyền lại:

-Theo tương truyền, một ngày kia, Olimpo, quan tổng trấn Roma, giận dữ, hầm hầm đi vào Đền thờ Đức Bà Cả để sát hại Đức Giáo Hoàng Marino (882- 884) trong lúc ngài cử hành Thánh lễ. Nhưng vừa bước qua ngưỡng cửa Đền thờ, đột nhiên ông bị mù và không thể thi hành ý định gian ác đó. Sự tích này được ghi nhớ trong một hình nổi cẩm thạch do điêu khắc gia Lironi tạc bên trên Cửa Thánh vào năm 1730.

-Lễ Giáng Sinh năm 1705, trong lúc Đức Giáo Hoàng Gregorio VII (1073- 1085) cử hành Thánh lễ Nửa đêm tại Đền thờ Đức Bà Cả, ngài bị một kẽ gian ác tên là Cencio, con của tỉnh trưởng Stefano bắc cóc. Tên này đã từng xây một tháp cạnh cầu thánh Phêrô (ngày nay người ta gọi là cầu thánh Thiên Thần), và đòi những người đi qua đó phải trả lệ phí cầu đường. Cencio giam Đức Giáo Hoàng trong tháp đó, với mục đích giao nạp cho hoàng đế Enrico IV của Đức để trả thù những biện pháp cải tổ can đảm của Đức Giáo Hoàng. Trong số các cải tổ đó có việc tước quyền hoàng đế trong việc phong thế quyền cho Giám Mục trước khi trao quyền thiêng liêng cho các ngài.Ngay tức khắc dân Roma nổi loạn, và ngày hôm sau, họ giải thoát ngài, rồi long trọng rước ngài trở lại Đền thờ Đức Bà Cả. Và như thể không có chuyện gì xảy ra, Đức Gregorio VI điềm nhiên mặc áo lễ và cử hành tiếp Thánh lễ từ chỗ bị cắt ngang hôm trước.

-Tại Đền thờ có phần mộ của Đức Giáo Hoàng Clemente IX (1667- 1669). Khi sinh thời, ngài đã từng bày tỏ mong ước được an táng tại Đền thờ này chứ không phải tại Đền thờ Thánh Phêrô. Nhưng khi ngài qua đời mà phần mộ ngài do kiến trúc sư Girolamo Rainaldi vẽ kiểu chưa hoàn tất, nên quan tài của ngài được chôn tạm tại Đền thờ Thánh Phêrô. Ngay sau đó, có tin về các phép lạ do Đức cố Giáo Hoàng thực hiện. Tin này được một Tu sĩ Phanxico ở tu viện Aracoeh xác nhận. Thầy bị mù và cho biết đã được khỏi nhờ cầu xin Đức Giáo Hoàng Clemente IX cứu giúp. Dân chúng bắt đầu lũ lượt kéo đến mộ của ngài để xin ơn và những người được ơn thì gắn các bảng tạ ơn gần ngôi mộ tạm. Lòng nhiệt thành của dân chúng lên đến cao độ đến nỗi họ tháo gỡ cả những mảnh gạch quanh mộ, như thể sức mạnh đặc biệt của Đức cố Giáo Hoàng lan tỏa ra đó.Các vị hữu trách Đền thờ thánh Phêrô lo ngại vì lòng nhiệt thành quá độ của các tín hữu, nên đã hối thúc và yêu cầu các vị hữu trách ở Đền thờ Đức Bà Cả hoàn tất mau lẹ ngôi mộ dành riêng của Đức Clemente IX tại đây, và họ vội chuyển thi hài của ngài về an táng trong Nhà nguyện Paolina. Nhưng kể từ đó ngài không còn làm phép lạ nữa.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An